TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ LONG HƯNG B

Địa chỉ: Ấp Hưng Thạnh Đông - Xã Long Hưng B - huyện Lấp Vò - tỉnh Đồng Tháp
Số điện thoại: 0673 670 119, Email: c2longhungb.lapvo@gmail.com

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

V/v điều hành chi ngân sách năm 2013

   UBND HUYỆN LẤP VÒ          CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÒNG GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 


Số :  703/PGD-ĐT.TV                              Lấp Vò, ngày  09 tháng 10 năm 2013
V/v điều hành chi ngân sách
               năm 2013

Kính gửi :    Hiệu trưởng các trường Mẫu giáo – Mầm non,
Tiểu học và THCS trực thuộc trọng toàn huyện.  

            Căn cứ Công văn số: 641/UBND-LTPP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò về việc điều hành chi ngân sách năm 2013.
          Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Lấp Vò đề nghị Hiệu trưởng các trường cần quán triệt và thực hiện triệt để các khoản chi theo tinh thần Công văn số: 641/UBND-LTPP ngày 04/10/2013 của Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò gửi đính kèm theo văn bản này.
          Các đơn vị hết sức chú ý các khoản chi cần quán triệt và lùi thời gian thực hiện lại theo tinh thần Công văn này là không được chi mua sắm, sửa chữa các khoản đã có trong dự toán được duyệt đầu năm hoặc các khoản chi có xin chủ trương được duyệt nhưng đến thời điểm này chưa được triển khai lập thủ tục như thông báo chào giá, họp xét báo giá chọn nhà thầu, ký quyết định chỉ định thầu, ký hợp đồng thực hiện… Vì, Công văn này thời gian thực hiện được các vấn đề mua sắm, sửa chữa nêu trên phải làm văn bản gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện xét duyệt đến ngày 08/10/2013 là hết hạn, nên đơn vị không còn thời gian để thực hiện. Đặc biệt theo tinh thần Công văn này các đơn vị không được chi tiếp khách và chi tiền tổ chức Hội nghị, Hội thảo (nếu chi tiền tổ chức Hội nghị, Hội thảo phải được lồng ghép nhiều nội dung hết sức cần thiết để đảm bảo chi đúng mục đích và tiết kiệm hiệu quả).
          Riêng trường hợp, khi cần thiết phải sửa chữa hay mua sắm để phục vụ chuyên môn, nếu không thực hiện thì không thể phục vụ giảng dạy được thì đơn vị gửi văn bản về Phòng Giáo dục – Đào tạo phối hợp cùng Phòng tài chính – Kế hoạch thẩm định trình UBND huyện cho ý kiến thực hiện.

          Đề nghị Hiệu trưởng Nhà trường nghiêm túc thực hiện theo tinh thần văn bản này và phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị biết để thực hiện triệt để theo tinh thần Công văn số: 641/UBND-LTPP ngày 04/10/2013 của Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò.

Nơi nhận                                                                          TRƯỞNG PHÒNG
- Như trên;                                                                  KÝ THAY TRƯỞNG PHÒNG
- Phòng TC-KH;                                                                            (Đã ký)
- Lãnh đạo PGD-ĐT;

- Lưu VP, TV.                                                                         ĐOÀN VĂN XE

Về việc điều hành chi ngân sách năm 2013

ỦY BAN NHÂN DÂN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HUYỆN LẤP VÒ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 641 /UBND-TH
Lấp Vò, ngày  4  tháng  10  năm 2013
Về việc điều hành chi ngân
sách năm 2013.


                  
                                       Kính gửi:
      - Các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện;
                                                      - Các tổ chức hội, hội đặc thù;
                                                      - Các đơn vị sự nghiệp công lập;
                                                      - UBND các xã, thị trấn.
         

Để thực hiện tốt công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2013 theo hướng dẫn của UBND tỉnh Đồng Tháp tại Công văn số 596/UBND-KTTH ngày 27 tháng 9 năm 2013, Ủy ban nhân huyện chỉ đạo:
1. Thực hiện thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách cấp huyện và ngân xã đối với:
a) Số vốn đầu tư của các dự án khởi công mới được bố trí kế hoạch năm 2013 nhưng đến 30/6/2013 các cơ quan, đơn vị chưa đến Kho bạc Nhà nước mở tài khoản giao dịch.
b) Dự toán chi thường xuyên đã được giao trong dự toán năm 2013 của các cơ quan, đơn vị nhưng đến hết ngày 30/6/2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định.
2. Rà soát các khoản chi thường xuyên đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2013 và các dự án đầu tư đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 nhưng chưa triển khai thực hiện:
a) Các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán để thực hiện mua sắm, sửa chữa: đề nghị thực hiện rà soát, trường hợp nhu cầu mua sắm, sửa chữa chưa thực sự cấp bách hoặc đến hết quý 3/2013 chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu; các Chương trình, dự án, đề án, đề tài đã được bố trí dự toán nhưng đến hết quý 3/2013 chưa triển khai thực hiện thì tạm dừng, chưa thực hiện trong năm 2013 để giảm chi ngân sách nhà nước.
b) Các dự án đầu tư đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 (cả dự án chuyển tiếp và khởi công mới), nhưng đến 30/6/2013 chưa triển khai thủ tục để thanh toán như: chưa chọn thầu, ký hợp đồng hoặc chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành,… thì thu hồi vốn để bổ sung dự phòng ngân sách tỉnh và dự phòng ngân huyện.
Riêng đối với các dự án đến 30/6/2013 đã triển khai thủ tục thanh toán như: chọn thầu, ký hợp đồng hoặc đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành,…nhưng chưa kịp gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến Kho bạc Nhà nước thì được phép thanh toán. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải có văn bản cam kết với Kho bạc Nhà nước về những nội dung công việc đã làm nêu trên và chịu trách nhiệm về việc đã cam kết với Kho bạc Nhà nước.
3. Rà soát các khoản chi đã bố trí trong dự toán, nhưng chưa thực sự cấp bách để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện, nhất là các khoản chi: mua xe công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; chi phí tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, ký kết thi đua, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước. Cụ thể như sau:
a) Chi phí văn phòng phẩm:
Triệt để tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm, thực hiện nhận văn bản, chỉ đạo qua mạng công nghệ thông tin để hạn chế in, photo giấy tờ không cần thiết, sử dụng giấy in tận dụng 2 mặt.
b) Chi phí tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo:
Kiên quyết cắt giảm, không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực, hạn chế tình trạng phô trương, hình thức trong các lễ tổng kết, đón nhận huân, huy chương, đón nhận danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập, lễ ký kết, khởi công, khánh thành…
Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý; kết hợp các loại cuộc họp với nhau một cách hợp lý; chuẩn bị kỹ đầy đủ đúng yêu cầu, nội dung cuộc họp, tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng người tham dự cuộc họp cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
c) Chi phí đi công tác trong nước và nước ngoài:
Việc tổ chức các đoàn công tác, rà soát theo tinh thần triệt để tiết kiệm, nắm thông tin trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của hệ thống các cơ quan nhà nước. Trường hợp cần thiết phải tổ chức đoàn công tác, phải xác định cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên trong đoàn, triệt để ngăn chặn việc kết hợp đi công tác với tham quan, du lịch. Rà soát kỹ các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới, bảo đảm gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả; không tổ chức đón tiếp gây tốn kém chi phí đối với cấp dưới và các cơ quan có liên quan.
Kiên quyết cắt giảm các đoàn công tác, nghiên cứu học tập khảo sát trong và ngoài nước chưa thực sự cần thiết, cấp bách, nội dung không thiết thực. Việc đi công tác nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được xây dựng trong chương trình công tác ngay từ đầu năm; trong đó ưu tiên cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chế độ quy định.
4. Đối với các đơn vị có thu các khoản phí, lệ phí được để lại theo quy định (trừ học phí):
Thực hiện tiết kiệm 10% từ nguồn phí được để lại đơn vị chi theo quy định, cách xác định như sau:
Số tiết kiệm 10% 5 tháng cuối năm = (dự toán giao đầu năm (phần để lại chi) - các khoản tiền lương, phụ cấp, tiền công và các khoản chi khác cho con người theo chế độ) : 12 tháng x 5 tháng (tính từ tháng 8/2013) x 10%.
5. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị ngành huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn tham mưu tổ chức thực hiện các yêu cầu đã nêu tại công văn này. Tập trung đôn đốc thực hiện đầy đủ, kịp thời các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị để bảo đảm thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 17/6/2013 của UBND tỉnh Đồng Tháp.
b) Thực hiện rà soát các nội dung hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4 công văn này, gửi phương án thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm về Phòng Tài chính – Kế hoạch trước ngày 08/10/2013 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.
6. Phòng Tài chính – Kế hoạch có trách nhiệm thẩm định phương án cắt giảm, tiết kiệm của các cơ quan, đơn vị, thông báo kết quả thẩm định gửi các cơ quan, đơn vị, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước trước ngày 15/10/2013 để thực hiện kiểm soát, thanh toán. Sau ngày 20/10/2013, cơ quan Kho bạc nhà nước được phép tạm dừng thanh toán đối với các khoản mua sắm, sửa chữa, tổ chức lễ hội, đi công tác nước ngoài của các cơ quan, đơn vị chưa có phương án cắt giảm, tiết kiệm được cơ quan tài chính thẩm định gửi Kho bạc nhà nước.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phòng, ban, ngành, đoàn thể, các hội cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh về Phòng Tài chính – Kế hoạch để nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện./.
         
Nơi nhận:                                                                  TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
- Như trên;                                                                                  
- UBND tỉnh (b/c);
- TT.HU;TT.HĐND huyện (b/c);
- CT& các PCT UBND huyện;
- LĐVP, đ/c Sang;

- Lưu VT, TCKH,S.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Bão số 11 đã vào biển Đông

Bão số 11 đã vào biển Đông

12/10/2013 11:35 (GMT + 7)
Sáng nay 12-10, bão Nari đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào khu vực phía Đông biển Đông và trở thành cơn bão số 11.
Đường đi và vị trí cơn bão - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Lúc 10g, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/giờ), giật cấp 13, 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 10g ngày 13-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, 13 (118-149 km/giờ), giật cấp 15, 16.
Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.
Đến 10g ngày 14-10, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên-Huế - Quảng Ngãi khoảng 230km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (118-149 km/giờ), giật cấp 15, 16.
Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, 12, giật cấp 13, 14. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ sáng 13-10 có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, 13, giật cấp 15, 16.
Biển động dữ dội.
TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG

Bắt đầu từ những cái gần gũi nhất

Bắt đầu từ những cái gần gũi nhất

TT - Ngay sau khi Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Chấn hưng giáo dục”, đông đảo bạn đọc, chuyên gia, nhà quản lý, thầy cô giáo... gửi ý kiến, góp ý để nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đi vào cuộc sống.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với cách tiếp cận cần phải bắt đầu từ giáo dục tình yêu gia đình.
* TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
- Tâm lý con người nói chung và học trò nói riêng ai cũng quan tâm tới những gì gần gũi nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất, từ đó mới có thể quan tâm tới những điều to lớn, trừu tượng. Việc đặt ra mục tiêu giáo dục (GD) học sinh “yêu gia đình, yêu Tổ quốc”, đặt cụm từ “gia đình” lên trước cụm từ “Tổ quốc” không nên hiểu theo nghĩa thô là chúng ta coi trọng gia đình hơn Tổ quốc, coi gia đình to hơn Tổ quốc...
Đối tượng của nền GD-ĐT là học sinh, là con trẻ. Dạy trẻ biết yêu những gì gần với các em nhất, coi đó là khởi nguồn để gây dựng sự hiểu biết, tình yêu lớn hơn với dân tộc, đất nước nằm trong hành trình hợp lý với nhận thức của các em.
Ở một nghĩa nào đó, Tổ quốc chính là gia đình, là con đường, là hàng cây, là những công trình, cây cầu, là cha mẹ, bạn bè, thầy cô mà chúng ta gặp trong cuộc sống thường nhật. Bởi thế dạy trẻ biết trân trọng gia đình, chia sẻ với những người xung quanh, biết yêu nơi mình sinh ra, lớn lên là điều cần trước hết.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đặt ra mục tiêu “yêu gia đình” đầu tiên cũng thể hiện quan điểm coi trọng nền tảng gia đình trong GD con người. Là lãnh đạo một trường có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những lớp học tới 50% học sinh có cha mẹ ly tán và điều đó tác động đến các em khiến các em sống lệch lạc, tôi càng thấm thía môi trường gia đình, nền tảng gia đình quan trọng thế nào trong việc GD nhân cách, phẩm chất và cả năng lực của mỗi học sinh.
Gia đình hạnh phúc, nề nếp, thương yêu nhau, cha mẹ tôn trọng con cái, những đứa trẻ lớn lên cũng có được tư chất, lối sống, tình cảm lành mạnh. Bởi vậy, khi đặt mục tiêu “gia đình” vào vị trí quan trọng cùng với “quê hương”, “Tổ quốc”, tôi hi vọng sự đổi mới GD lần này cũng hướng tới việc củng cố nền tảng GD gia đình, nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng cùng với ngành GD-ĐT để đạt mục tiêu GD.
TS Mai Ngọc Luông - Ảnh: Nguyễn Khánh
TS Mai Ngọc Luông (thành viên BCH Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM):
- Trong thời kỳ hội nhập, hòa giải như hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cần đào tạo nên những con người có cá tính mạnh, có tình yêu Tổ quốc, có tình yêu nhân loại. Tức là con người phải có tinh thần quốc tế, không chỉ biết tôn trọng những giá trị của bản thân mà còn biết tôn trọng giá trị của gia đình, của Tổ quốc và của nhân loại.
TS Huỳnh Công Minh - Ảnh: H.HG.
TS Huỳnh Công Minh (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
- Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, văn minh thì tất yếu đất nước sẽ phát triển vững bền. Tôi rất tâm đắc với mục tiêu GD mà nghị quyết đề ra về việc GD học sinh tình yêu thương gia đình. Đây là chủ trương lớn của Đảng mà những nhà GD phải đặc biệt quan tâm để khắc phục khiếm khuyết trong thời gian vừa qua.
Cô Bùi Thị Kim Liên - Ảnh: H.HG
Cô Bùi Thị Kim Liên (giáo viên Trường tiểu học Vạn Tường, quận Phú Nhuận, TP.HCM):
- Ngày xưa chúng ta dạy học sinh yêu Tổ quốc trước rồi mới đến yêu gia đình và bản thân vì đất nước lúc đó chưa yên. Bây giờ đã là thời bình, chúng ta đang xây dựng một cuộc sống không chỉ ấm no mà người dân còn được ăn ngon, mặc đẹp. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải dạy cho học sinh biết yêu bản thân các em trước rồi mới đến yêu gia đình, yêu Tổ quốc. Tức là trước tiên phải giáo dục các em biết tự vệ sinh cá nhân, quan tâm, chăm lo cho sức khỏe, biết tự giác học tập... Sau đó, ta dạy cho các em biết yêu thương những người thân xung quanh, gần gũi với mình từ khi lọt lòng; biết yêu thương đồng loại, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Đã có lần tôi hỏi học sinh của tôi: “Yêu Tổ quốc tức là các con phải làm sao?”. Học sinh trả lời: “Là con phải học thật giỏi để sau này chung tay xây dựng đất nước”. Hằng năm, trong các cuộc phát động đóng góp tập vở, dụng cụ học tập cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa; chương trình Góp đá xây Trường Sa... học trò của tôi tham gia tích cực. Tôi nói với học sinh: đó cũng là một cách yêu Tổ quốc rồi. Tóm lại, đối với học sinh tiểu học, dạy các em yêu Tổ quốc nên bắt đầu từ những cái thật gần gũi mà các em có khả năng làm được.
Đâu phải phụ huynh nào cũng giàu!
Một số phụ huynh Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (P.5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) phản ảnh đầu năm học này những người có con học lớp 1 bán trú phải đóng 2,2 triệu đồng tiền cơ sở vật chất. Nhưng sau đó một số lớp lại vận động đóng thêm 1-2 triệu đồng để trang bị máy lạnh, tivi, làm sàn gỗ... “Đâu phải phụ huynh nào cũng giàu, những người khó khăn làm sao đóng nổi. Nhưng nếu không đóng số tiền này thì nhận được ánh mắt lạnh tanh từ phía phụ huynh đại diện thu tiền” - một phụ huynh bức xúc.
Ông Lê Văn Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, cho biết tiền cơ sở vật chất đối với học sinh lớp 1 bán trú là 2,2 triệu đồng cho cả năm năm học. Do trước nay kinh phí tổ chức học bán trú của trường rất khó khăn nên phải thu một lần đầu vào năm lớp 1 để đầu tư cơ sở vật chất cho các em. Hiện tại trường đang lên phương án thu rải đều ra năm năm để phụ huynh nhẹ gánh đầu năm học.
Ông Dũng khẳng định nhà trường không có chủ trương tạo quỹ ở các lớp học. Việc đại diện hội cha mẹ học sinh vận động đóng thêm 1-2 triệu đồng/học sinh là do phụ huynh tự đề xuất. Tuy nhiên chắc chắn không có tình trạng thu cào bằng tất cả phụ huynh với số tiền lớn như thế. Thời gian qua nhiều phụ huynh muốn con em mình khi học bán trú có điều kiện tốt hơn nên chủ động đóng góp số tiền lớn, nhà trường có yêu cầu các phụ huynh đó làm đề xuất. Có người chủ động gắn cả hai máy điều hòa cho một lớp học.
Hiện nay cơ sở vật chất như tivi, máy lạnh đã cơ bản đáp ứng và cũng không có chuyện thu tiền làm sàn gỗ. Số tiền nhà trường thông qua đại diện phụ huynh học sinh vận động đầu năm học chỉ hơn 150.000 đồng. Tất cả khoản tiền nhà trường thu đều lên phương án và được ban đại diện cha mẹ học sinh, UBND thành phố thông qua và công khai cho phụ huynh biết.
THÚY HẰNG ghi

Đang cử hành lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đang cử hành lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lễ viếng linh cữu Đại tướng trong Nhà tang lễ Quốc gia diễn ra xuyên buổi trưa. Lực lượng cảnh vệ và tiêu binh đổi ca trong khi dòng người vào viếng không dứt và nhiều người dân được xếp xen kẽ với các đoàn tỉnh, cơ quan tổ chức.

Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội
Lúc 12h: Ban tổ chức thông báo ngừng cho người dân vào viếng và yêu cầu lực lượng bảo vệ bên ngoài vườn hoa Yersin giữ trật tự. Ước tính trong khoảng thời gian ngắn ngủi mở cửa tự do, hơn một nghìn người dân đã viếng linh cữu Đại tướng. Những người chờ bên ngoài được thông báo đến 15h sẽ tiếp tục được vào viếng sau khi các đoàn hoàn tất. Họ tiếp tục xếp hàng dài và tranh thủ ăn bánh mì trong lúc chờ đợi. Lễ viếng diễn ra liên tiếp không có giờ nghỉ trưa.
Lúc 10h30: Sau các đoàn viếng chính thức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, những người dân đầu tiên được vào viếng linh cữu Đại tướng trong nhà tang lễ.
Những cá nhân đầu tiên vào viếng Đại tướng đi theo hàng trật tự gồm khoảng 60 người mỗi nhóm. Đây là những người đang đứng chờ ở vườn hoa Yersin và được Ban tổ chức mời vào viếng, gồm cả người cao tuổi, cựu chiến binh và một số thanh niên. Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia lập các đoàn cá nhân vào viếng và một số còn thay nhau quạt cho các những người cao tuổi trong đoàn đứng chờ.
Cô Nguyễn Thị Sinh, 63 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết đã rời nhà đến Nhà tang lễ từ lúc 6h. Cô đứng theo dõi các nghi lễ qua màn hình ở vườn hoa Yersin bên ngoài và bất ngờ được Ban tổ chức mời vào trong viếng khiến cô rất xúc động. Trong nhóm cá nhân đầu tiên vào viếng còn có ông Tô Xuân Thanh, 60 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hoá. Ông đi xe máy từ quê ra Hà Nội từ tuần trước và cũng đã xếp hàng vào tưởng niệm Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu.
nguoidan-001a.jpg
Cụ Cao Võ Giảng (trái), 83 tuổi, quê Nghệ An và cụ Nguyễn Vĩnh Triệu, 88 tuổi, Hà Nội là những người đầu tiên trong đoàn cá nhân bước vào nhà tang lễ.
Khi biết thông tin Ban tổ chức lễ tang mở cửa cho cá nhân vào viếng, hàng nghìn người đang đổ về khu vực xung quanh nhà tang lễ. Trong các đoàn đang xếp hàng vào viếng có đội tuyển U19 Việt Nam, đứng đầu là Trưởng đoàn Dương Nghiệp Khôi, HLV trưởng Guillaume Graechen và các cầu thủ.
Bên trong nhà tang lễ nơi quàn thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 60 sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu theo nghi thức trang trọng nhất của quân đội. Hàng nghìn người trong các đoàn đang lặng lẽ xếp hàng trên sân nhà tang lễ. Mọi người phần lớn mặc đồ tang, riêng đoàn quân đội vận quân phục, gương mặt trang nghiêm.
Khu vực trước cửa nhà tang lễ bị cấm đường, nên hàng nghìn người dân tập trung tại các con phố lân cận như Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ... Nhiều cựu chiến binh mặc quân phục, đeo huân, huy chương trên ngực. Khi tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên, nhiều người ôm mặt bật khóc.
Nguyen-Phu-Trong.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảngvào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lực lượng cảnh vệ bố trí ghế ngồi phía trước màn hình lớn đặt ngoài cổng nhà tang lễ và cho người dân đến gần hơn. Bà Catherine Karnow, người chụp ảnh Tướng Giáp, cũng đến khu vực này từ rất sớm. Đến khoảng 9h, hàng nghìn người dân chờ phía ngoài được bố trí di chuyển vào khu vực vườn hoa Yersin gần nhà tang lễ cho mát và dễ theo dõi. Họ tập trung trước màn hình lớn và được phục vụ nước uống. Nhiều Phật tử có mặt trong đám đông. Các cụ vừa ngồi khóc, vừa lần tràng hạt.
Thông tin Ban tổ chức lễ tang cho biết chiều nay sẽ không đăng ký vào viếng như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, mọi người sẽ xếp hàng từ đầu đường Trần Thánh Tông để lần lượt vào viếng như ở nhà riêng Đại tướng mấy ngày trước.
Lúc 7h30: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đó 5 phút, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban tổ chức lễ tang, tuyên bố chính thức bắt đầu lễ viếng.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Chính phủ vào viếng Đại tướng trong tiếng nhạc "Hồn tử sĩ".
nhatangle1-3003-1381542851.jpg
Nơi quàn linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ 6h30: Đoàn gia quyến của Đại tướng gồm khoảng 70 người đã thực hiện nghi lễ phát tang và viếng linh cữu đang quàn trong nhà tang lễ. Đoàn Ban tổ chức lễ quốc tang do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu cũng tiến vào phủ lá cờ tổ quốc lên linh cữu Đại tướng.
Trước đó từ sáng sớm mọi công tác chuẩn bị cho lễ viếng Đại tướng đã sẵn sàng tại ba điểm chính thức là Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, Hội trường Thống nhất TP HCM và trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.
Lễ viếng tại Quảng Bình
Quảng Bình bắt đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cơn mưa kéo dài từ nửa đêm. Từ sáng sớm, hơn 1.000 thanh niên sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện ôm ảnh vị tướng đứng bên đường. Trên 500 người thuộc các ban ngành đoàn thể, đã xếp hàng dài hơn 500 m trước UBND tỉnh Quảng Bình, nơi tổ chức lễ viếng chính thức. Cảnh sát giao thông tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự, trong khi nhiều bình nước miễn phí được đặt ở bên đường phục vụ khách đến viếng. 
anh1-9550-1381542312.jpg
Hàng trăm sinh viên Đại học Quảng Bình mặc áo mưa, mang di ảnh trước ngực chờ đến lượt viếng Đại tướng. Ảnh: Trí Tín.
Trong tiếng trống nhạc trầm buồn, Bí thư tỉnh ủy Lương Ngọc Bính - trưởng Ban lễ tang tỉnh Quảng Bình, đọc điếu văn nhắc lại những dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình và trên cả nước. Đoàn thắp hương đầu tiên trước bàn thờ là lãnh đạo tỉnh cùng khoảng 10 người thân họ hàng Đại tướng. Tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà huyện Lệ Thủy cũng bắt đầu lễ phát tang cho người thân và mở cửa để người dân vào viếng. 
Bà Quế Thị Nhung, 79 tuổi, một mình lặn lội từ Nghệ An đi tàu hỏa ra Quảng Bình từ hôm qua để chờ viếng Đại tướng. Bà là người đến UBND tỉnh sớm nhất sáng nay, một mình đứng trước cổng nhìn vào nơi sẽ diễn ra lễ viếng Tướng Giáp. "Tôi chưa gặp Đại tướng, nhưng ở nước mình tôi quý nhất 3 người là Bác Hồ, Tướng Giáp và ông Phạm Văn Đồng. Nay ông Giáp là người cuối cùng trong 3 người họ mất, tôi rất xúc động", bà cụ nói.
Lễ viếng tại TP HCM
Đồng thời với Hà Nội, lễ viếng cũng được tổ chức tại Hội trường Thống nhất TP HCM. Ngay từ 6h sáng, hàng nghìn người bắt đầu nối nhau tiến vào Hội trường trong tiết trời se lạnh buổi sớm ở Sài Gòn.
TPHCM.jpg
Lãnh đạo TP HCM thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống nhất. Ảnh: An Nhơn.
Bà Phạm Thị Chung và Ngô Thị Hương là những người đầu tiên xếp hàng trước Hội trường. Hai bà là thành viên Đội Văn nghệ hội cựu chiến binh Tân Phú. Vẻ mặt xúc động, bà Chung chia sẻ: "Biết là 7h mới mở cửa viếng nhưng tôi muốn đến sớm để được là người đầu tiên vào thắp nhang". Chưa từng gặp mặt Đại tướng nhưng với những người từng trải qua thời chiến như bà, hình ảnh của vị tướng huyền thoại đã in đậm trong trái tim.
Dòng người nối dài hướng về Hội trường Thống Nhất, Dinh Độc lập, TP HCM.
Càng về trưa, dòng người hướng về Hội trường Thống nhất, Dinh Độc lập, TP HCM càng dài thêm. Ảnh: An Nhơn
Quốc tang kéo dài hai ngày tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức bắt đầu từ 12h trưa qua 11/10, đánh dấu bằng nghi lễ kéo cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Tất cả các công sở và nhiều nhà dân trên cả nước cũng thực hiện nghi lễ treo cờ rủ tương tự trong suốt 48 tiếng. Trong thời gian cả nước để tang Đại tướng, mọi hoạt động vui chơi giải trí sẽ tạm ngừng.
Hoạt động quan trọng nhất trong hai ngày quốc tang là lễ viếng Đại tướng ngày 12/10 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) và lễ di quan và an táng linh cữu đại tướng tại Quảng Bình ngày 13/10.
VnExpress

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Cựu chiến binh cõng nhau vào viếng Đại tướng

Cựu chiến binh cõng nhau vào viếng Đại tướng

10/10/2013 15:17 (GMT + 7)
TTO - Do lịch rút ngắn một ngày so với dự kiến nên từ sáng sớm 10-10 đã có hàng ngàn người dân tập trung xếp hàng trải dài gần 1km trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để viếng Đại tướng lần cuối.
Mặc dù đã đến gần trưa nhưng đoàn người vẫn xếp hàng nối dài gần 1km

Ghi nhận trong sáng 10-10, hàng ngàn người tiếp tục nối dài từ nhà riêng Đại tướng trên phố Hoàng Diệu, vòng sang đường Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thụ và ngược trở lại phố Hoàng Diệu, tạo thành một vòng tròn người bao quanh nhà Đại tướng. Dù mỗi người thực hiện việc thăm viếng chỉ trong vài giây song nhiều người xếp hàng từ 6g sáng, đợi hơn 5 giờ vẫn chưa đến lượt vào. Bánh mì và nước uống tiếp tục được phân phát miễn phí cho người dân có nhu cầu. Lượng người thăm viếng tăng cao hơn so với những ngày trước đó khiến lực lượng thanh niên tình nguyện cùng an ninh phải làm việc vất vả để điều tiết ra vào.
Nhiều người chọn cách mặc trên mình chiếc áo có hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tỏ lòng biết ơn đến danh tướng đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước, dân tộc.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận của TTO:
Những người cựu chiến binh thuộc đoàn cựu chiến binh ba chiến dịch (1952, 1972 và 1975) cầm bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp di chuyển vào khu vực làm lễ viếng
Cưu chiến binh Dương Văn Song, 75 tuổi, đến từ Lục Ngạn, Bắc Giang được cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhân cõng trên lưng, do phải đi bộ trên một quãng đường dài nên chân ông Song bị mỏi
Bức ảnh truyền thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giương cao trang trọng giữa đám đông
Bánh mì miễn phí phát cho người dân đến viếng Đại tướng
Bé Đỗ Quỳnh Anh cầm bó hoa cúc vàng di chuyển trong đám đông
Bức ảnh truyền thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tấm biểu ngữ "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng thống nhất sơn hà"
Phía bên đối diện ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, một số người dân treo ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống trên bờ tường để người dân đi qua theo dõi
Cựu chiến binh Trần Đoàn Tài cầm bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động đi giữa đám đông
Nhiều người mặc áo có hình ảnh Đại tướng để tỏ lòng biết ơn đến danh tướng đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước, dân tộc - Ảnh: Phạm Nhâm
Dòng người vẫn kiên nhẫn chờ để được vào mặc niệm Đại tướng - Ảnh: Tiến Thắng
NGUYỄN KHÁNH - TIẾN THẮNG - PHẠM NHÂM

Tương lai thuộc về chúng ta

Tương lai thuộc về chúng ta

10/10/2013 11:00 (GMT + 7)
TT - Nhà thơ Việt Phương nâng niu mở tập thơ Cửa đã mở của ông xuất bản năm 1988, trang đầu là thủ bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với “mấy vần thơ buông” thật đặc biệt.
Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: H.Điệp

Anh Việt Phương ơi
Tôi chúc anh trẻ mãi không già
Hai ba mươi năm nữa vẫn còn xuân phơi phới
Cửa đã mở rồi
Hoa thơm hoa đẹp từ bốn phương đưa lại
Hoa nở thành thơ, từng chùm, từng chùm
Chàng trai ta vừa ngâm vừa hát
Vừa nhìn về tương lai, ung dung tiến bước
Ngâm rằng: ê a, ê a
Trẻ mãi, ê a, trẻ mãi không già... a a
Trong những ngày gạo châu củi quế
Ta vẫn có những giờ phút rất vui, rất “giui”
Ê a, ê a
Tương lai thuộc về chúng ta
Trẻ mãi, trẻ mãi, trẻ m...ã...i...
Tiếp theo, Đại tướng mở ngoặc ghi chú: “Ngâm kéo dài rồi xuống giọng dần... từ soprano đến mezzo, rồi...”, và ký tên: “Một người làm mấy câu thơ buông bằng tay trái”.

Thủ bút bài thơ buông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ảnh: H.Điệp
Tất cả chúng tôi như vừa được gặp, vừa phát hiện ra một Võ Nguyên Giáp khác: một nghệ sĩ thật sự. Ông Việt Phương xúc động: “Mấy chữ Cửa đã mở rồi của Đại tướng đối với tôi mang ý nghĩa thời đại”.
Thời điểm ấy VN vừa bước vào tiến trình đổi mới. Sau những sóng gió của tập thơ Cửa mở xuất bản năm 1970, sau khi “cửa đã mở rồi”, năm 1989 tập Cửa mở được tái bản.
Kiên nhẫn của lửa, nhẫn nhịn của nước
* Từng là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thường xuyên làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ấn tượng nhất điều gì ở Đại tướng?
- Nhà thơ Việt Phương: Đối với tôi, Đại tướng chính là một người thầy. Tôi học ở Đại tướng hai bài học lớn nhất cho cả đời: nhận thức về sự sống và nhận thức về con người. Đến nhà Đại tướng, ai cũng thấy ông nâng niu từng cái lá, bông hoa và điều này lại không hề mâu thuẫn với việc ông đã từng chỉ huy hàng vạn quân ra trận. Tôi từng là một người lính. Một người lính sẽ yên tâm biết bao nhiêu khi biết rằng chỉ huy của mình biết trân quý sự sống.
Trong thời bình, tinh thần ấy càng phải được phát huy. Nhận thức được vai trò của con người vừa làm chủ vừa bình đẳng với vạn vật, ta sẽ xác định được một thái độ sống vừa bình thản vừa tích cực để xây dựng cuộc đời. Đây, trong bài thơ tặng tôi, Đại tướng viết, hay là hát: “Tương lai thuộc về chúng ta”.
* Tôi nhớ đến một câu thơ của ông đã viết: “Gieo trăm gặt một thế cũng là/ Được thế thôi cũng là được cả/ Một thời khô héo một thời hoa” gợi nhiều liên tưởng đến Ban nghiên cứu đổi mới kinh tế, chính trị và hành chính của Thủ tướng mà ông là một thành viên. Tinh thần ấy cũng được thấy trong cuộc đời của Đại tướng. Liệu có gì liên quan với nhau không?
- Câu thơ ấy tôi viết trước hết là để cho mình, cho các đồng đội của tôi ở ban tư vấn ngày ấy (Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung, Đào Xuân Sâm, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, Nguyên Ngọc, Trần Đình Bút, Vũ Quang Việt, Trần Văn Thọ, Vũ Quốc Huy, Đào Công Tiến, Chu Hảo, Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A... - PV). Chúng tôi chỉ “cho”, theo đúng nghĩa của từ “cho”, những lời khuyên và lời can, không có một ràng buộc mang tính hành chính hay quyền lợi nào khác.
Công việc có thành tựu, lại có nhiều hơn những bất ý. Những lúc ấy, tôi nhìn vào sự bình thản của Đại tướng mà học chữ “Nhẫn”. Ở Đại tướng có sự kiên nhẫn của lửa, nhẫn nhịn của nước.
Chúng tôi bảo nhau: một trăm ý của chúng ta mà được thực hiện ba ý là kết quả rất cao, hai ý được coi là cao và nếu chỉ một ý được lắng nghe thôi thì đã xứng đáng để dốc lòng dốc sức cống hiến rồi. Đại tướng luôn lặp lại với chúng tôi lời Hồ Chủ tịch: Tất cả là vì dân. Người nông dân đi gieo hạt, có lúc bội thu, lúc thất mùa còn bị mất trắng, bị lỗ vốn, toi công kìa chứ. Còn bao nhiêu anh em đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Mình còn đây là quý lắm rồi.
Các bạn trẻ bây giờ nhất định có nhiều cơ hội để nêu lên những ý kiến, sáng kiến, chủ kiến của mình hơn chúng tôi ngày ấy, có nhiều cơ hội để đóng góp hơn. Cái các bạn thiếu chính là chữ “Nhẫn”.
Tôi theo dõi thấy nhiều bạn hay đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi, có lúc lại trách móc, than vãn rằng mình thiếu cơ hội, bị đối xử bất công. Nếu các bạn biết nhìn vào những người đi trước như chúng tôi, trước nữa như thế hệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ thấy mình không có cớ gì mà chùn bước trước những rào cản đó. Trải qua cuộc đời, tôi thấy một sự thật: bên cạnh rất nhiều điều kiện khác, không có nhẫn nại sẽ không làm được việc lớn.
Đối thoại bình đẳng với học sinh sinh viên
* Nói vậy nhưng học được sự “Nhẫn” ở tuổi trẻ thật sự rất khó, thưa ông. Làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông thấy họ thể hiện lòng tin vào giới trẻ thế nào?
- Thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng tôi tổ chức một sự kiện thường niên: gặp gỡ các học sinh sinh viên giỏi tại Phủ thủ tướng hay hội trường Ba Đình vào dịp 20-11. Dịp nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đến dự, cả trước và sau khi ông được giao nhiệm vụ phụ trách khoa học - giáo dục.
Hai ông rất tâm đầu ý hợp trong đối thoại với giới trẻ. Cần nhấn mạnh ở đây là đối thoại bình đẳng, yêu cầu hiến kế chứ không phải mời sinh viên học sinh đến nghe lãnh đạo độc thoại. Từ Thủ tướng đến Đại tướng đều thay phiên nhau ra những đầu bài cho sinh viên thảo luận, gợi ý những câu hỏi để dẫn dắt vấn đề. Và vấn đề được đặt ra cũng rất thời sự, nóng bỏng như: Làm thế nào để chống tham ô, lãng phí, quan liêu? Làm thế nào để đẩy mạnh sản xuất, gia tăng năng suất? Học gì để đóng góp được nhiều nhất cho đất nước?...
Có một buổi, Đại tướng phân tích cho các bạn trẻ nghe về những thói xấu của con người nói chung và người Việt nói riêng. Một trong những thói xấu của người Việt được nhấn mạnh đó là không đoàn kết, không hợp tác. Đặc điểm này đã được nhiều người nhắc đến và luôn được nhắc đi nhắc lại nhưng ngày hôm nay, tôi thấy nhiều người Việt chúng ta còn mắc rất nặng.
* Hôm nay, nhìn vào dòng người mỗi lúc mỗi dài trước cổng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thấy rõ lòng dân hướng về Đại tướng như thế nào. Đây có thể là một cơ hội để khơi dậy một sức mạnh chung của cả dân tộc hay không, và nếu như thế chúng ta nên nằm lòng điều gì trong di sản của Đại tướng để làm hành trang?
- Đúng là Đại tướng đi xa mà vẫn còn để lại một cái phúc lớn cho dân tộc. Những khó khăn, khuất khúc những năm qua có phần nào làm lòng người hoang mang, ly tán, nay đột ngột lại đồng cảm, nắm tay, chung lòng với nhau trong một nỗi tiếc thương chung. Hãy mang theo lời dặn “Đoàn kết” của Đại tướng và Hồ Chủ tịch, cộng với cách nhìn đời nhân hậu của Đại tướng: “Với rác rưởi thì quét đi, đừng bươi ra để thành nhà rác, đời rác. Cần phải nhìn vào những cái đẹp, cái tử tế, lấy đó làm “sở cứu”, nuôi dưỡng hi vọng và niềm tin”. Đó là lời mà Đại tướng tâm tình với cố vấn Phạm Văn Đồng mà tôi đã nghe được. Thái độ sống rất đẹp ấy ông đã truyền cho chúng tôi và nhân cơ hội hôm nay, tôi trao lại cho các bạn.
PHẠM VŨ thực hiện

 
Thiết kế bởi: Đặng Vĩnh Phúc | Email: dangvinhphuc.lapvo@gmail.com | DĐ: 0989 22 55 49